CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT Á
Địa chỉ: BT 48A Lâm Viên, KĐT Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội

kỹ thuật trồng su hào

 10/03/2017

Cây su hào xuất hiện đầu tiên ở thời kỳ trung cổ, vùng Trung và Nam Âu, nay được trồng phổ biến ở Trung Quốc và Việt Nam. Quá trình sinh trưởng và phát triển của su hào yêu cầu nhiệt độ thấp, đặc biệt ở thời kỳ phân hoá hoa. Đặc điểm này làm cho su hào không ra hoa và kết hạt tại vùng nhiệt đới và á nhiệt đới, ở Việt nam một số vùng núi cao có mùa đông lạnh kéo dài (Hà Giang, Sa Pa ...). Tuy nhiên, để sản xuất rau thương phẩm, su hào có thể cho năng suất cao ở vùng đồng bằng khu vực á nhiệt đới, trên nhiều loại đất khác nhau từ đất nhẹ đến đất nặng trung bình và độ PH trong khoảng 6,0 - 7,5.
CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT Á
Địa chỉ: 227 Ngô Xuân Quảng- TT Trâu Qùy- Gia Lâm- Hà Nội
Tel : 043 8760284- 0988286997 – 0904565955
Email: Vietaseed@gmail.com- Website: Vietaseeds.com.vn               
 
Cây su hào
(Brassica oleracea var. gongylodes)
 
I. Nguồn gốc và yêu cầu sinh thái
Cây su hào xuất hiện đầu tiên ở thời kỳ trung cổ, vùng Trung và Nam Âu, nay được trồng phổ biến ở Trung Quốc và Việt Nam. Quá trình sinh trưởng và phát triển của su hào yêu cầu nhiệt độ thấp, đặc biệt ở thời kỳ phân hoá hoa. Đặc điểm này làm cho su hào không ra hoa và kết hạt tại vùng nhiệt đới và á nhiệt đới, ở Việt nam một số vùng núi cao có mùa đông lạnh kéo dài (Hà Giang, Sa Pa ...). Tuy nhiên, để sản xuất rau thương phẩm, su hào có thể cho năng suất cao ở vùng đồng bằng khu vực á nhiệt đới, trên nhiều loại đất khác nhau từ đất nhẹ đến đất nặng trung bình và độ PH trong khoảng 6,0 - 7,5.
II. Các biện pháp kỹ thuật
1. Thời vụ
- Vụ sớm gieo từ  tháng 6 - 7 trồng tháng 8 - 9 ;
- Chính vụ gieo từ  tháng 9 - 10 trồng tháng 10 - 11.
- Vụ muộn gieo hạt tháng 11 trồng tháng 12.
2. Vườn ươm
Chọn nơi đất cao, dễ thoát nước, đất thịt nhẹ hoặc cát pha để gieo hạt. Làm đất thật nhỏ tơi xốp, lên luống cao 0,3m, rãnh rộng 0,3m, mặt luống rộng 0,9 - 1m. Bón lót bằng phân chuồng mục từ 1,5 - 2kg/m2. Nếu không có phân chuồng hoại mục thì có thể thay bằng phân hữu cơ vi sinh với lượng 0,5kg/1m2. Gieo hạt đều trên mặt luống với lượng hạt gieo là 1,5 - 2g/m2. Gieo hạt xong phủ một lớp trấu hoặc rơm rạ lên trên sau đó tưới nước bằng ô doa đủ ẩm mỗi ngày 1 lần. Khi cây mọc thì bóc lớp rơm rạ trên mặt luống và tưới đủ ẩm thường xuyên cho cây. Không dùng phân đạm để bón trong vườn ươm. Dùng phân lân hoặc nước giải pha loãng để tưới thúc cho cây. Dùng thuốc trừ sâu, trừ bệnh trong danh mục được phép sử dụng để phun phòng trừ, nếu phát hiện thấy sâu bệnh. Trước khi nhổ cây tưới đủ ẩm để hạn chế đứt rễ cây.
3. Làm đất trồng cây
Chọn chân đất cao, dễ thoát nước, thịt nhẹ, đất được luân canh với các cây khác họ, có độ PH từ 5,5 - 6,5. Cày bừa kỹ, đập nhỏ đất, lên luống cao 0,3m, rãnh rộng 0,3m, mặt luống rộng 0,8 - 0,9m. Dùng toàn bộ số phân chuồng, lân, 10% đạm, 50% Kali để bón lót, và phải trộn đều với đất, san phẳng mặt luống. Cây trồng dọc theo luống khoảng cách 30 x 40cm đảm bảo mật độ là 5,5 - 7,5 vạn cây/ha. Nên trồng vào buổi chiều, tưới nước đủ ẩm mỗi ngày 1 lần; sau khi cây hồi xanh tưới 2 - 3 ngày 1 lần.
4. Phân bón và cách bón
+ Lượng bón:
Loại phân Tổng lượng phân bón Bón lót (%) Bón thúc (%)
kg /ha kg/sào Lần 1 Lần 2 Lần 3
Phân chuồng ủ mục 20.000-25.000 700 - 900 100 - - -
Đạm urê 195 - 235 7 - 9 30 15 25 30
Lân supe 550 - 700 20 - 25 100 - - -
Kaliclorua 195 - 235 7 - 9 50 10 20 20
Cách bón:
- Bón lót dùng toàn bộ số phân chuồng hoai mục (không dùng phân tươi, nước phân tươi để bón ) hoặc phân hữu cơ vi sinh.
- Bón thúc:
+ Lần 1: Khi cây hồi xanh (sau trồng 7 - 10 ngày)
+ Lần 2: Sau trồng 20 - 25 ngày, dùng 25% số phân đạm và 20% kali.
+ Lần 3: khi trồng 35 - 40 ngày, dùng nốt số phân còn lại.
Có thể dùng phân bón lá phun đều cho cây vào 3 đợt nằm trong khoảng giữa thời gian bón phân trên.
5. Tưới nước, chăm sóc
Không dùng nước bẩn, nước ao tù, nước thải công nghiệp chưa qua xử lý để tưới cho cây. Chỉ nên dùng nước phù sa sông ngòi hoặc nước giếng khoan để tưới . Cây su hào có bộ rễ ăn nông nên rất cần nước, vì vậy sau khi trồng cần tưới đủ ẩm mỗi ngày 1 lần, khi cây hồi xanh 2 - 3 ngày tưới một lần. Có thể tưới tràn vào rãnh cho cây, khi đủ ẩm phải tháo hết nước ngay. Nên kếp hợp việc tưới nước với các lần bón thúc phân vô cơ. Cần xới xáo, vun gốc được 2 - 3 lần. Thường xuyên nhặt sạch cỏ dại, loại bỏ lá vàng, lá sâu bệnh.
6. Phòng trừ sâu bệnh
Cần áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp cho cây, thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, nên có chế độ luân canh hợp lý: Cày lật đất sớm có thời gian phơi ải để diệt nguồn sâu non, nhộng của sâu khoang, sâu xám, sâu xanh...; luân canh với lúa nước ở vùng đất 2 vụ lúa +1 vụ rau; với hành, tỏi, đậu tương ở vùng chuyên canh rau; thường xuyên phát hiện sâu bệnh và phòng trừ kịp thời.
Từ 15 đến 20 ngày sau trồng, nếu có sâu tơ rộ tuổi 1 -2, cần phun 1 - 2 lần thuốc BT. Nếu sâu bệnh phát triển thành dịch, có thể dùng các loại thuốc hoá học cho phép để phòng trừ và sử dụng theo đúng chỉ dẫn của nhãn thuốc. Sherpa 25EC nồng độ 0,15%. Lượng dung dịch thuốc đã pha cho 1 sào là 25-30 lít. Thời gian cách ly của thuốc trước thu hoạch 10-15 ngày. Khi có bệnh nên phun 1 trong các loại thuốc sau: Ridomil MZ 72WP, Score 250EC... Sử dụng thuốc phải đúng theo liều lượng khuyến cáo, phun kỹ ướt đều 2 mặt lá.
7. Thu hoạch
Căn cứ vào thời gian sinh trưởng của từng giống, từng thời vụ, theo dõi sinh trưởng của lá non, sự hình thành của củ để định thời gian thu hoạch. Củ khi thu hoạch không có xơ, không bị sâu bệnh, da phẳng, không giập, không nứt, đựng vào bao bì sạch đưa đi tiêu thụ. Nếu thực hiện đúng quy trình trên có thể đạt năng xuất 15 - 25 tấn/ha (600 - 900kg/sào).
 

Chia sẻ

Bình luận